Rồng từ thời xa xưa đã trở thành biểu tượng gắn liền với nền văn hoá Á Đông. Là hiện thân tượng trưng cho sự cao quý, vĩnh hằng, quyền lực, rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đình, lăng, điện cũng như trên trang phục vua chúa thời phong kiến. Hình tượng rồng được hình dung và tái hiện mỗi khác qua từng triều đại khác nhau. Trong đó, có lẽ hình tượng rồng qua hai triều đại Lý và Trần mang nhiều đặc điểm đặc trưng nhất qua ngàn năm phong kiến đất nước. Những đặc điểm ấy là gì, khác nhau như thế nào, hãy cùng Khacnhaugiua.vn tìm hiểu qua bài viết này bạn nhé!
1. Cấu tạo cơ thể
Như đã đề cập, hình tượng rồng gắn liền với nền văn hoá Á Đông, không chỉ Việt Nam, biểu tượng rồng còn được sử dụng ở các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên,…Tuy nhiên, rồng thời Lý được xem là biểu tượng rồng thuần Việt Nam nhất so với hình tượng rồng ở các thời kỳ.
Rồng thời Lý có phần thân dài, tròn lẳn, không có vẩy uốn khúc mềm mại, thanh thoát với phần sống lưng sở hữu một hàng vảy thấp, tỉa riêng từng cái sắc nhọn. Hàng vảy này được tỉa sao cho đầu vây trước tủa vào hàng vây sau. Phần bụng rồng có những đốt ngắn như bụng rắn. Có thể nói, biểu tượng rồng thời Lý được nhận xét là khá giống một con rắn.
Rồng thời kỳ này có 4 chân, hai chân trước mọc ở khúc uốn thứ nhất, một bên gần giữa, bên còn lại nằm ở cuối khúc uốn. Hai chân sau, bao giờ cũng nằm ở gần khoảng giữa khúc uốn thứ ba. Mỗi chân có ba ngón phía trước, có khủy phía sau, móng chân hơi quặp vào giống loài chim.
Thời Lý, rồng thưởng ngẩng đầu hướng lên cao, miệng há to, không có lỗ mũi. Mép trên miệng kéo dài thành cái vòi thanh thoát vuốt nhỏ dần về cuối. Răng nanh của rồng mọc từ cuối hàm trên, uốn cong và vắt qua vòi mép ở trên, có trường hợp răng nanh rất dài, uốn lượn vươn ra ngoài, hoặc với vòi lên bao lấy ngọc châu.
Trong khi đó, về cơ bản, hình tượng rồng thời nhà Trần vẫn giữ được dáng dấp như rồng thời nhà Lý với các đường cong thanh thoát, phần thân trước lớn, vuốt nhỏ dần về phần đuôi. Tuy nhiên thân rồng lượn kha thoải mái mà cũng không kém phần dứt khoát mạnh mẽ. Không những vậy, rồng thời Trần còn sở hữu thân mập chắc, tư thế vươn về phía trước linh hoạt, không chịu ảnh hưởng của các quy luật khắt khe như thời Lý.
Rồng thời kỳ này không chỉ được sử dụng trong các kiến trúc cung đình, trên các tác phẩm điêu khắc, hoa văn gốm, hay tượng trưng cho vua chúa mà còn xuất hiện trong các kiến trúc dân dã hơn như điêu khắc gỗ ở chùa, trên bậc thềm (như ở chùa Phổ Minh).
Vảy lưng là điểm phân biệt dễ nhận thấy giữa biểu tượng rồng của hai thời kỳ. Đầu vây trước không tủa vào hàng vây sau, thay vào đó, vảy có hình răng cưa lớn, nhọn, đôi khi còn được chia làm hai lớp riêng biệt. Bốn chân rồng thời kỳ này cũng ngắn hơn, lông ở khủy chân không đưa ra sau cố định mà có thể linh hoạt trước hay sau tuỳ thuộc vào khoảng trống phía bên trên bức phù điêu.
Phần đầu của rồng thời kỳ này không sở hữu nhiều chi tiết phức tạp như nhà Lý, nhưng vẫn mang những đặc điểm riêng nổi bật. Có thể kể đến sự xuất hiện của cặp sừng trên đầu rồng, vòi rồng vẫn hình lá, vươn ra phía trước nhưng không uốn khúc, cặp nanh rồng khá lớn, vắt qua sóng vòi, miệng rồng há to nhưng nhiều khi không đớp quả cầu.
2. Ý nghĩa về mặt tinh thần
Nhắc đến thời Lý, không thể không nhắc đến chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta, giành lại độc lập tự chủ dân tộc sau hơn 1000 năm Bắc thuộc. Văn học, nghệ thuật thời kỳ này cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ về tư tưởng, cũng như lòng tự tôn dân tộc. Chính vì vậy, biểu tượng rồng thời Lý được cho là mang nhiều nét riêng, thực sự khác biệt với rồng Trung Hoa. Có thể nói, hình tượng rồng thời nhà Lý được xem là biểu tượng rồng thuần Việt Nam nhất.
Tượng trưng cho quyền lực tuyệt đối, sự mạnh mẽ, vĩnh hằng, biểu tượng rồng không được dùng rộng rãi trong các kiến trúc dân gian mà được dùng trong hệ quy luật khắt khe, chủ yếu được dùng cho Vua, trên quần áo của Vua, điện nghỉ Vua, bát đũa Vua dùng chiếu Vua ban hay ngai vàng Vua,…Việc sử dụng biểu tượng rồng không có sự cho phép của Vua thời kỳ này thậm chí được xem là tội khi quân.
Xuất hiện từ thế kỉ XI-XII, các mẫu vật rồng thời kỳ nhà Lý không còn nhiều, chủ yếu được tìm thấy trên kiến trúc chùa đình (do Vua cho phép xây dựng), và một số mẫu vật bằng gốm được các nhà khảo cổ học tìm ra. Điều đặc biệt, các nhà khảo cổ học ngày nay chỉ tìm thấy rồng được tạc dưới dạng phù điêu, không tìm thấy mẫu vật được chạm chìm và chạm tròn.
Khác với thời nhà Lý, thời nhà Trần, rồng không chỉ được sử dụng trong các kiến trúc cung đình, trên các tác phẩm điêu khắc, hoa văn gốm, hay tượng trưng cho vua chúa mà còn xuất hiện trong các kiến trúc dân dã hơn như điêu khắc gỗ ở chùa, trên bậc thềm ( như ở chùa Phổ Minh ).
Hình ảnh rồng thời nhà Trần tiêu biểu còn tồn tại đến ngày nay có thể kể đến hình bộ cửa chạm rồng trong lòng tháp Phổ Minh ( ngày nay thuộc Nam Định ). Đôi rồng đối xứng nhau, nằm vừa vặn trong một ô tròn, ngoái lại chầu chầu Mặt Trời trong khuôn hình lá đề. Đây được coi là một tác phẩm điêu khắc khá hoàn mỹ, bộ cánh cửa này còn giữ được những dấu ấn của nghệ thuật chạm khắc đời Trần nói chung và dấu ấn hình tượng rồng thời kỳ này nói riêng.
Trên đây là sự khác biệt giữa hình tượng rồng thời Lý và rồng thời Trần mà Khacnhaugiua.vn tổng hợp lại được. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngần ngại liên hệ với Khacnhaugiua.vn bạn nhé!