Hai thuật ngữ pháp lý khiếu nại và tố cáo thường được sử dụng khá thường xuyên. Tuy nhiên, không ít người vẫn đang sử dụng lẫn lộn và gặp khó khăn khi phân biệt hai thuật ngữ này. Trong bài viết dưới đây, Khacnhaugiua.vn sẽ giúp các bạn độc giả phân biệt sự khác nhau giữa khiếu nại và tố cáo để các bạn biết cách sử dụng chính xác nhất trong thực tế. Tham khảo ngay nhé!
1. Khái niệm
Khái niệm chính là yếu tố khác biệt đầu tiên của hai thuật ngữ khiếu nại và tố cáo.
Cụ thể theo Luật khiếu nại 2011, khiếu nại là thuật ngữ chỉ việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trong khi đó, theo Luật tố cáo 2018, tố cáo là thuật ngữ chỉ việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Đối tượng
Đối tượng bị khiếu nại bao gồm: Các quyết định hành chính; hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước hay người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.
Trong khi đó, đối tượng bị tố cáo bao gồm: Hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Đây là một trong những điểm khác nhau khá rõ rệt của khiếu nại và tố cáo.
3. Mức độ chính xác của thông tin
Hiện tại không có yêu cầu về mức độ chính xác của thông tin trong các hoạt động khiếu nại.
Tuy nhiên, đối với các hoạt động tố cáo, mức độ chính xác của thông tin được Luật tố cáo 2018 quy định như sau:
- Người tố cáo phải trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo.
- Nếu tố cáo sai có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội vu khống tại Bộ Luật hình sự 2015.
4. Thời hiệu
Thời hiệu của tố cáo không được quy định trong luật bởi nó phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người tố cáo.
Trong khi đó, thời hiệu của khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Cụ thể, đối với trường hợp khiếu nại Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức:
- Khiếu nại lần đầu thì thời hiệu là 15 ngày kể từ ngày nhận quyết định.
- Khiếu nại lần hai là 10 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
- Đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
5. Về việc rút lại đơn khiếu nại, tố cáo
Người khiếu nại có thể rút đơn khiếu nại của mình tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Cơ quan nhà nước sẽ đình chỉ việc giải quyết khi người khiếu nại rút đơn.
Trong khi đó, người tố cáo chỉ có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Cơ quan Nhà nước vẫn tiếp tục giải quyết vụ việc tố cáo nếu có căn cứ cho rằng hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoặc người tố cáo bị uy hiếp, mua chuộc.
Đây là một trong những điểm khác biệt tiếp theo giữa khiếu nại và tố cáo bạn cần nắm được.
Trên đây là những điểm khác biệt giữa khiếu nại và tố cáo được Khacnhaugiua.vn tổng hợp lại được. Hy vọng thông qua bài viết, các bạn độc giả có thể xác định được hai thuật ngữ này và biết cách sử dụng đúng trường hợp cũng như mục đích. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng gửi câu hỏi về cho Khacnhaugiua.vn để được giải đáp.