Trong kinh doanh và đặc biệt là quá trình xây dựng doanh nghiệp, Founder và CEO có thể được xem là hai vị trí quan trọng, là yếu tố nhân lực mang tính quyết định. Tuy nhiên, bạn đã thực sự hiểu rõ Founder và CEO là gì cũng như phân biệt được sự khác nhau của 2 chức vụ này? Bài viết dưới đây của Khacnhaugiua.vn sẽ giải đáp chi tiết những thắc mắc liên quan đến 2 chức danh trên.
1. Khái niệm
Để tìm hiểu sự khác biệt giữa Founder và CEO, trước tiên hãy để ý đến khái niệm của mỗi chức vụ.
Founder, còn có thể được gọi là nhà sáng lập, là người đầu tiên thành lập công ty của họ. Thường các Founder sẽ nghĩ ra ý tưởng ban đầu cho một sản phẩm hoặc dịch vụ và thành lập công ty để cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ đó cho khách hàng của họ.
Trong trường hợp có nhiều hơn một người sáng lập, họ sẽ được gọi là đồng sáng lập (Co-founder). Điều này có nghĩa là họ không chỉ cùng nhau đưa ra ý tưởng thành lập công ty mà còn chia sẻ trách nhiệm và khối lượng công việc thành lập công ty. Trong nhiều trường hợp, người sáng lập thuê một CEO để điều hành công việc kinh doanh hàng ngày, họ làm việc để lập kế hoạch dài hạn cho công ty.
Trong khi đó CEO, hay có thể gọi là Giám đốc điều hành, là người điều hành cấp cao nhất trong doanh nghiệp trong trường hợp người sáng lập không phải là Giám đốc điều hành, Giám đốc điều hành có thể được Founder hoặc hội đồng quản trị thuê để điều hành các công việc hàng ngày của công ty hoặc được đảm nhận bởi chính Founder của doanh nghiệp đó.
Giám đốc điều hành cũng được coi là bộ mặt của công ty bên trong cũng như bên ngoài. Vì vậy, về cơ bản hình ảnh trước mặt công chúng của công ty có thể được thể hiện phần nào qua hình ảnh của CEO. Không những vậy, trong nội bộ công ty, CEO được yêu cầu phải hiểu các hoạt động của công ty để đảm bảo rằng từ nhân viên hay sản lượng đến năng suất tổng thể được kiểm tra, diễn ra suôn sẻ ở mọi cấp độ của công ty.
2. Vai trò
Một trong những khác biệt chính giữa vị trí Founder và CEO là trách nhiệm họ đảm nhận trong một công ty. Khi chủ doanh nghiệp bắt đầu lập kế hoạch cho công ty, một trong những điều đầu tiên họ cần quyết định là nên trao chức danh cho các nhân viên khác và thậm chí cho chính mình như thế nào. Founder cũng cần lập một kế hoạch kinh doanh và đặt mục tiêu phát triển bền vững cho công ty. Mặt khác, CEO cần quản lý đội ngũ nhân viên tài năng và giúp mở rộng quy mô kinh doanh.
Chính vì là người đưa ra ý tưởng và thực hiện ngay từ những bước đầu, Founder sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra ý tưởng cũng như giải pháp khả thi cho phép thực hiện, mang lại lợi ích đảm bảo cho doanh nghiệp. Họ là người thực hiện tất cả các công việc ban đầu như tài trợ, sản xuất, nghiên cứu hay phân phối,…để nghiên cứu phát triển công ty. Founder của một Startup có thể được gọi là doanh nhân. Khác với CEO, Founder không bị mất chức danh hoặc vai trò của họ bất kể điều gì xảy ra với công ty.
Trong khi đó, CEO với cương vị là người lãnh đạo, có chức năng như giám đốc điều hành cấp cao nhất tại bất kỳ tổ chức nào. Họ chịu trách nhiệm đưa ra quyết định cho các yêu cầu hàng ngày của công ty, trong khi những quyết định thực sự lớn vẫn có thể do người sáng lập đưa ra. Giám đốc điều hành chịu trách nhiệm đảm bảo rằng các mục tiêu chiến lược và kế hoạch dài hạn của công ty được thực hiện bởi những người còn lại trong nhóm.
Dưới đây là một số trách nhiệm chính khác mà bạn có thể tìm thấy trong bản mô tả công việc của người sáng lập và CEO:
Founder | CEO |
Sáng lập công ty, doanh nghiệp Xác định tầm nhìn, phương hướng hoạt động của công ty, doanh nghiệp đó Xây dựng đội ngũ nhân viên có năng lực Thảo luận, bàn bạc đưa ra quyết định cuối cùng cùng ban giám đốc Đảm bảo nguồn lực tài chính cho công ty ban đầu | Thực hiện mô hình kinh doanh của công ty như đã đề ra Huấn luyện đội, nhân lực công ty Giúp mở rộng quy mô kinh doanh Giao tiếp với các bên nội bộ và bên ngoài Thiết lập văn hóa công ty |
3. Cách thức quản lý
Bên cạnh khái niệm và vai trò của Founder và CEO thường thấy trong một doanh nghiệp, cách thức quản lý của hai chức vụ này cũng có nhiều điểm khác biệt đáng lưu ý.
Xuất phát điểm là một nhà sáng lập, Founder nhạy cảm với những ý tưởng mới, và giỏi trong việc diễn giải ý tưởng mang tính tiên phong của mình. Thậm chí nhiều nhà sáng lập có khả năng điều hành doanh nghiệp vô cùng ấn tượng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc tất cả họ là những người xuất sắc trong khâu quản lý, cũng như biết cách điều hành doanh nghiệp hiệu quả theo hướng phát triển bản thân đề ra.
Quy mô càng lớn, việc quản lý có thể ngày càng trở nên khó khăn, nhất là với những Founder không có quá nhiều kinh nghiệm. Lúc này, Founder có thể cần thuê Giám đốc điều hành giúp họ quán xuyến doanh nghiệp. CEO có thể dễ dàng quản lý tốt các hoạt động kinh doanh và mọi vấn đề đối nội đối ngoại của doanh nghiệp. Nhiệm vụ của họ là cân bằng các hoạt động và định hướng đúng lối đi với tầm nhìn ban đầu của nhà sáng lập. Càng có nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành thì CEO càng có khả năng đưa ra phương pháp và cách thức thực hiện tối ưu nhất có thể.
Qua bài viết, Khacnhaugiua.vn hy vọng đem đến cho người đọc những thông tin bổ ích, phần nào giúp các bạn có cái nhìn khái quát cũng như là chi tiết về hai chức vụ Founder và CEO – những vị trí then chốt trong một doanh nghiệp.