Truyện Kiều được xem là kiệt tác số một của đại thi hào Nguyễn Du, được lưu giữ và giảng dạy không chỉ tại Việt Nam mà còn được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Trong đó hai chị em Thuý Kiều, Thuý Vân là hai nhân vật tạo nên linh hồn của tác phẩm này. Vậy sự khác nhau giữa Thuý Kiều và Thuý Vân là gì? Hãy cùng Khacnhaugiua.vn đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây!
1. Ngoại hình
Ngoại hình của Thuý Vân và Thuý Kiều chính là điểm khác nhau đầu tiên khi đặt hai nhân vật này lên bàn cân so sánh.
Thúy Vân trong tác phẩm Truyện Kiều được miêu tả với vẻ đẹp trang trọng tuyệt vời, khuôn mặt đầy đặn như ánh trăng rằm, tiếng nói tiếng cười như hoa như ngọc, tóc mượt như mây, da trắng hơn tuyết.
Vẻ đẹp của nàng khiến cho thiên nhiên phải e thẹn cúi mình, phải thua, phải nhường một cách tình nguyện. Nàng được tạo hóa ban cho một vẻ đẹp đoan trang, phúc hậu, báo hiệu một cuộc sống yên ổn, bình an, không sóng gió về sau.
Trong khi đó, Thúy Kiều lại mang vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà chứ không đoan trang, phúc hậu như Thúy Vân. Đôi mắt Thuý Kiều được miêu tả trong như làn nước mùa thu, đôi lông mày thanh tú như dáng núi mùa xuân. Thuý Kiều có một vẻ đẹp khiến cho hoa “ghen”, liễu “hờn”. Thuý Kiều đẹp nhưng cũng mang đến cho nàng cả sự ghen ghét của người đời dự báo những bất ổn về sau.
2. Tài năng
Điểm khác nhau lớn nhất giữa Thuý Kiều và Thuý Vân có thể nhắc đến tài năng. Thuý Vân không được Nguyễn Du nhắc đến những tài năng của cô. Trong khi đó, Nguyễn Du lại đề cập hiếm có người con gái nào đa tài như Thúy Kiều.
Tài năng của Thúy Kiều không chỉ giỏi ca hát, đánh đàn, vẽ tranh, mà còn sáng tác cả nhạc nữa. Có thể thấy rằng vẻ đẹp kết hợp với tài năng của nàng đã đạt đến trình độ phi thường, vượt trên cả cái đẹp chuẩn mực – đó là thiên nhiên.
3. Cuộc đời
Trong suốt tác phẩm Truyện Kiều, Thuý Vân được cho là có một cuộc đời khá êm đềm và bằng phẳng. Từ sau khi được chị gái Thuý Kiều trao duyên cho Kim Trọng, Thúy Vân đã kết hôn với Kim Trọng trong thời gian Thúy Kiều bán mình chuộc cha và phải chịu cảnh sống lưu lạc 15 năm.
Trong khi đó, cuộc đời của Thuý Kiều vô cùng trắc trở, nhất là sau sự kiện bán mình chuộc cha do gia đình dính phải án oan sai, cha và Vương Quan bị bắt về nha môn.
Kể từ đó, Thuý Kiều phải chịu những hành hạ về thể xác. Cụ thể, Tú Bà sau khi lừa được Thuý Kiều ở lầu Ngưng Bích đã đánh đập Thuý Kiều rất dã man. Sau đó Thuý Kiều lại phải chịu một trận đòn của Thúc ông “uốn lưng thịt đổ dập đầu máu sa” hay ” Trúc côn ra sức đập vào/Thịt nào chẳng nát gan nào chẳng kinh.”
Bên cạnh thể xác, Thuý Kiều phải chịu những đày đoạ về tinh thần, Mối tình đầu vừa chớm nở, Kiều đang sống trong hạnh phúc vậy mà phải trao duyên cho em gái, buộc phải quên đi hạnh phúc mà mình đã nắm trong tầm tay. Từ một cô gái sống trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che”, Kiều bỗng dưng trở thành hàng hoá để người ta xem xét, so đo, cò kè, ngã giá.
Từ một cô gái trinh trắng, Kiều đã rơi vào lầu xanh, phải chịu cảnh “Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm”.
Khi trở thành vợ của Thúc Sinh, Thuý Kiều đã phải đàn hát thâu đêm để cho Thúc Sinh và Hoạn Thư uống rượu, thưởng đàn. Bị bán vào lầu xanh lần thứ hai, Kiều gặp Từ Hải. Từ Hải đã mang đến cho Kiều cuộc sống hạnh phúc và đưa Kiều lên vị trí xứng đáng nhưng rồi Kiều đã nhẹ dạ cả tin, khuyên Từ Hải ra hàng và khiến Từ Hải thua trận phải chết đứng.
Khi chồng vừa chết, Thuý Kiều phải đánh đàn hầu rượu Hồ Tôn Hiến rồi bị ép gả cho tên thổ quan và phải trầm mình xuống sông Tiền Đường tự vẫn.
Trên đây là những điểm khác nhau cơ bản nhất của Thuý Kiều và Thuý Vân – hai nhận vật chính trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Hy vọng thông qua bài viết, các bạn độc giả sẽ có thêm những thông tin hữu ích về văn học cũng như kiến thức xã hội nói chung. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng gửi về cho Khacnhaugiua.vn bạn nhé!