Tết truyền thống tại Hàn Quốc cũng như Việt Nam là một trong những ngày lễ cực kỳ quan trọng với rất nhiều phong tục và lễ nghi đặc biệt. Vậy Tết Việt Nam và Tết Hàn Quốc khác nhau như thế nào? Hãy cùng Khacnhaugiua.vn đi tìm câu trả lời ngay trong bài viết dưới đây!
1. Khâu chuẩn bị đón Tết
Người Việt Nam và Hàn Quốc đều sử dụng lịch âm, nên thời gian đón Tết của hai quốc gia giống nhau. Tuy nhiên, ngày Tết của Việt Nam và Hàn Quốc có những điểm khác nhau ngay từ khâu chuẩn bị đón Tết.
Tết Nguyên đán của người Việt Nam được bắt đầu bằng việc dâng hương cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. Bên cạnh đó, các gia đình còn chuẩn bị dọn dẹp, trang trí nhà cửa; đi tảo mộ ông bà tổ tiên; mua sắm lương thực, hoa quả để dùng trong dịp Tết; gói bánh chưng, làm mứt Tết; đi chúc Tết người thân bằng những món quà được chuẩn bị kỹ lưỡng;…. Công đoạn này tốn khá nhiều thời gian và công sức.
Trong khi đó, người Hàn Quốc chuẩn bị đón mừng Tết đầu năm không nhiều như Việt Nam. Chỉ khi gần tới cuối tháng Chạp họ mới đi chợ Tết chủ yếu là mua thịt, cá, trái cây… để làm lễ vật cúng đầu năm. Phụ nữ Hàn sẽ là người đảm nhận việc chuẩn bị thức ăn, làm bánh, thu dọn nhà cửa,… Trước đây, Hàn Quốc cũng có tục cúng Ông Táo vào ngày 23 tháng chạp nhưng đến nay tục lệ này đã không còn nữa.
2. Thời gian nghỉ Tết
Số ngày nghỉ của đón Tết của người Việt Nam thường kéo dài trong khoảng 1 tuần đến 2-3 tuần tuỳ từng đối tượng. Chẳng hạn học sinh sẽ có lịch nghỉ Tết Âm lịch rơi vào khoảng gần 2 tuần, sinh viên có thể kéo dài hơn tới gần một tháng, thậm chí nhiều hơn; người lao động thì có lịch nghỉ Tết trong vòng 1 tuần.
Người Hàn QUốc có ngày đón Tết ngắn hơn so với người Việt Nam, rơi vào khoảng 3 ngày từ ngày cuối cùng của năm cũ đến ngày mùng 2 của năm mới. Trong ngày cuối cùng của năm cũ họ sẽ cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa, nấu nướng và chuẩn bị những công việc mang tính nghi lễ truyền thống cũng như tắm nước nóng với mong muốn gột rửa những điều không may mắn trong năm cũ.
3. Những hoạt động vào dịp Tết
Ngày Tết của người Việt Nam diễn ra rất nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu sắc. Chẳng hạn, chúng ta không thể không kể đến truyền thống đạo hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ bằng việc đi tảo mộ. Bên cạnh đó, cứ đến gần ngày tất niên, người Việt sẽ lấy một cây tre tươi còn ngọn và lá trồng trước sân hay còn được gọi là cây nêu. Trên ngọn cây, họ thường treo những chiếc chuông khánh bằng đất nung có thể phát ra âm thanh để xua đuổi ma quỷ. Đây là những tín ngưỡng theo Phật giáo của dân tộc Việt.
Người Việt Nam cũng có tục lệ cúng ông Công, ông Táo tiễn Táo quân lên chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp. Tục lệ này được lưu truyền cho tới ngày nay với mong muốn người dân có một cuộc sống đầy đủ, an cư lạc nghiệp.
Vào đêm giao thừa, người Việt Nam sẽ thức cùng nhau để làm lễ trừ tịch, bỏ đi những điều không may mắn trong năm cũ để đón những điều tốt đẹp và mới mẻ trong năm mới. Tục lệ xông đất đầu năm cũng được duy trì đến tận ngày hôm nay, thông qua việc lựa chọn một người hợp tuổi với gia chủ là người đầu tiên tới thăm nhà vào năm mới được tin sẽ mang lại nhiều may mắn cho gia chủ trong năm mới.
Trên bàn thờ đón Tết của người Việt cũng được bày rất nhiều các loại bánh mứt, bánh chưng, bánh dày, bánh tét, mâm ngũ quả… Sau lễ trừ tịch, mọi người sẽ xuất hành đến chùa dâng hương, cầu nguyện cho gia đình, bản thân một năm mới bình an, thịnh vượng và bẻ một cành lộc với hy vọng năm mới làm ăn phát đạt, tài lộc tấn tới.
Trong khi đó, Tết của người Hàn Quốc sẽ có những hoạt động được phân công rõ ràng như phụ nữ sẽ đảm nhiệm công việc đi chợ Tết mua sắm lễ vật thờ cúng, chuẩn bị thức ăn, làm bánh bột gạo… Nam giới sẽ phụ trách sửa sang nhà cửa, dán giấy viết các chữ may mắn, hoặc tuế hoạ vẽ các vị tiên, các con vật có sức mạnh lên cửa để xua đuổi ma quỷ và cầu phúc cho gia đình.
Vào đêm giao thừa, gia đình người Hàn sẽ quây quần cùng nhau thức đến sáng để thực hiện 2 phong tục đặc biệt là treo sàng đuổi quỷ dạ quang lên tường trước nhà và đón cái đấu gạo may mắn treo cũng được treo trước nhà hoặc trong bếp để cầu phúc cho cả năm. Tiếp đó, vào ngày đầu tiên của năm mới, gia đình Hàn Quốc sẽ cùng nhau mặc bộ trang phục truyền thống Hanbok làm cơm dâng cúng tổ tiên để thể hiện lòng kính trọng cũng như xin sự phù hộ từ tổ tiên trong năm mới.
4. Món ăn đặc trưng
Có thể nói một trong những sự khác biệt rõ ràng giữa Tết Việt Nam và Tết Hàn Quốc chính là ẩm thực vào dịp Tết cổ truyền.
Những món ăn đặc trưng của Hàn Quốc vào dịp Tết có thể được kể đến như: Tteokguk (Canh bánh gạo); Bánh Tteok Galbijjim (Sườn bò hầm); Cháo đậu đỏ; Tteokgalbi; Rau ba màu; Japchae (Miến trộn); Bánh Yakgwa; Bánh Yaksik… Tất cả những món ăn đều mang ý nghĩa về sự may mắn, sức khoẻ, tài lộc trong năm mới đang tới.
Trong khi đó, với Tết cổ truyền Việt Nam, những món ăn được xem là linh hồn của ngày Tết có thể kể đến: bánh chưng, bánh tét, bánh dày, giò lụa, nem rán, dưa hành, mâm ngũ quả,… Những món ăn thể hiện ước mong của người dân về một năm mới an khang, thịnh vượng, vật chất đủ đầy, tinh thần sảng khoái, sức khoẻ dồi dào.
Trên đây là một số những điểm khác nhau giữa Tết Việt Nam và Tết Hàn Quốc được Khacnhaugiua.vn tổng hợp lại được. Hy vọng trong tương lai, các bạn sẽ sớm được trải nghiệm Tết tại đất nước Hàn Quốc để có thể có những so sánh của riêng mình và lưu lại những kỷ niệm khó quên nhé!