Tiền điện tử ngày càng trở nên phổ biến và được định giá cao, trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhiều người. Đồng thời, tiền điện tử cũng thường được đem ra so sánh với tiền pháp định và gây nên nhiều tranh cãi xem thử đâu mới là đồng tiền tốt nhất cho thời đại công nghệ cao. Vậy hãy cùng khacnhaugiua.vn tìm hiểu về những điểm khác nhau giữa tiền pháp định, tiền điện tử để có đánh giá riêng cho bản thân nhé.
I. Khái niệm
1. Tiền pháp định
Theo wikipedia thì Tiền pháp định (Tiền định danh) là: “Một loại tiền tệ không có giá trị nội tại được xác lập bằng tiền theo quy định của chính phủ, mà được gán giá trị nhờ quyền lực của Chính phủ”.
Tại Việt Nam thì Ngân hàng Nhà Nước chính là cơ quan chịu trách nhiệm về tiền pháp định. Tiền pháp định được định giá cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào quyền lực, uy tín của chính phủ và sức mạnh của nền kinh tế.
2. Tiền điện tử
Wikipedia định nghĩa: “Tiền điện tử (tiếng Anh: electronic currency, electronic money, e-cash, digital currency, digital money, digital cash) còn được gọi với tên gọi khác là tiền kỹ thuật số là một đơn vị tiền tệ hoạt động dựa trên các thuật toán điện tử và được lưu giữ trên Internet, hệ thống máy tính, smartphone và các thẻ thanh toán điện tử”.
Tiền điện tử ra đời sau tiền pháp định và nó đang thể hiện được sự ảnh hưởng mạnh mẽ của mình đến nền kinh tế hiện tại.
II. Sự khác nhau giữa tiền pháp định và tiền điện tử
Để phân biệt rõ sự khác nhau giữa tiền pháp định và tiền điện tử thì chúng ta sẽ cùng xem xét và đánh giá dựa vào những đặc điểm dưới đây.
1. Tính pháp lý
Vì là loại tiền do chính phủ phát hành cho nên tiền pháp định mang tính hợp hiến, mọi giao dịch ở trong nước đều sử dụng tiền pháp định để thực hiện việc thanh toán. Chính phủ sẽ kiểm soát về nguồn cung tiền ra thị trường và có các chính sách kiểm soát tiền tệ để có thể giữ chúng không bị mất giá.
Còn tiền điện tử là hình thức tài sản kỹ thuật số dùng để trao đổi, chính phủ không có quyền kiểm soát cũng như ảnh hưởng đến giá trị của nó. Chính vì không kiểm soát nên hiện tại chính phủ của nhiều nước đã cấm việc giao dịch mua bán tiền kỹ thuật số ở đất nước của họ. Riêng tại Việt Nam thì tiền điện tử không được thừa nhận trong việc thanh toán và giao dịch.
2. Tính hữu hình
Tiền pháp định thường tồn tại dưới dạng là tiền giấy hoặc tiền xu nên bạn có thể sở hữu và cầm nắm nó trên tay, hoàn toàn hữu hình.
Tiền điện tử thì bạn chỉ sở hữu giá trị của nó nhưng không thể cầm nắm và sờ vào, bạn có thể giao dịch dựa vào giá trị được định đoạt bởi thị trường.
3. Phương tiện giao dịch
Tiền pháp định tồn tại ở 2 dạng đó là dạng vật chất và dạng kỹ thuật số nên bạn có thể thanh toán giao bằng tiền trực tiếp hoặc thông qua hình thức giao dịch online.
Tiền điện tử hoàn toàn được trao đổi bằng cách thức kỹ thuật số, nó được mã hóa bằng các đoạn mã riêng. Bạn có thể chuyển tiền điện tử để thanh toán, mua bán với người khác thông qua các công cụ như điện thoại, máy tính…
4. Lượng cung tiền
Tiền pháp định có nguồn cung không giới hạn, chính phủ tùy thuộc vào từng thời điểm để quyết định có nên tăng lượng cung tiền ra thị trường thêm hay không. Và không thể nào kiểm soát được lượng tiền pháp định đang lưu thông là bao nhiêu tại một thời điểm nhất định.
Một đồng tiền điện tử khi đưa ra thị trường sẽ có một giới hạn số lượng cung. Người sáng lập nên đồng tiền ảo đó sẽ nắm rõ được hiện tại có bao nhiêu đồng tiền điện tử của họ đang lưu hành.
5. Phát triển hệ sinh thái
Giá trị của tiền pháp định nó phụ thuộc vào sức mạnh của chính phủ và nền kinh tế, những quốc gia có nền kinh tế mạnh như Mỹ, Anh, Nhật, Nga…thì đồng tiền của họ sẽ được định giá cao hơn.
Còn tiền điện tử muốn tăng giá trị thì cần dựa vào sự phát triển hệ sinh thái của đơn vị tạo lập. Hệ sinh thái càng tốt, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn thì tiền điện tử sẽ tăng giá trị cực mạnh. Điển hình là đồng bitcoin, vào thời điểm ra mắt nó được định giá chưa tới 1 USD/BITCOIN nhưng có thời điểm lên tới 65000 USD/BITCOIN.
6. Phương thức lưu trữ
Bạn có thể lưu trữ tiền pháp định bằng hình thức tiền mặt, gửi ngân hàng hoặc bằng app của các ngân hàng. Còn tiền điện tử thì chỉ lưu trữ ở trong các ví tiền ảo, ví này sẽ được bảo mật bằng công nghệ cao để tránh sự xâm nhập của hacker.
7. Cơ hội đầu tư sinh lời
Bạn có thể đầu tư sinh lời từ tiền pháp định bằng kênh đầu tư ngoại hối, tức là dựa vào chênh lệch các đồng tiền để kiếm lời. Còn với tiền điện tử thì tỷ suất sinh lời cao hơn, hấp dẫn hơn rất nhiều, bạn chỉ cần giao dịch mua vào và chờ tiền lên giá để bán. Nhưng đổi lại việc đầu tư tiền điện tử nó cũng phát sinh rủi ro cao hơn.
Tiền điện tử đang là kênh đầu tư hot hiện nay
III. Ưu, nhược điểm của tiền pháp định và tiền điện tử
LOẠI TIỀN | ƯU ĐIỂM | NHƯỢC ĐIỂM |
TIỀN PHÁP ĐỊNH | Tiền pháp định có tính ổn định cao. – Được kiểm soát bởi nhà nước, đảm bảo tính pháp lý. – Được chấp nhận thanh toán rộng rãi. | Chính phủ có thể tạo ra lượng cung không giới hạn nên sẽ gặp phải vấn đề về lạm phát. – Việc mang theo tiền pháp định bên mình đôi lúc hơi bất tiện. |
TIỀN ĐIỆN TỬ | Giao dịch mua bán, thanh toán nhanh. – Tính bảo mật cao hơn. – Được lưu trữ trong ví điện tử nên dù đi đâu bạn cũng chỉ cần mang theo smartphone là được. – Phí giao dịch thấp. | Giá trị dễ bị biến động, dễ bị làm giá bởi cá mập. – Rủi ro cao, nhất là các rủi ro về an ninh mạng. – Không đảm bảo tính pháp lý trong đầu tư. – Có thể sử dụng vào các mục đích giao dịch bất hợp pháp. |
Trên đây là toàn bộ những điểm khác nhau giữa tiền pháp định và tiền điện tử mà bạn nên biết. Thực tế công nghệ ngày càng lên ngôi, tiền pháp định lại thể hiện rõ nhiều nhược điểm dễ thấy, điều này đã tạo đà cho tiền điện tử phát triển mạnh mẽ hơn. Cũng không ai biết được chắc chắn rằng trong tương lai vị thế của hai đồng tiền này sẽ như thế nào, nhưng hiện tại tiền điện tử đang dần có ảnh hưởng lớn và trở thành cơ hội đầu tư của nhiều người.